2009 bao nhiêu tuổi lớp mấy

Ngay từ bây giờ, các bạn học sinh, quý phụ huynh có những yêu cầu thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009, thắc mắc các ngành học, quy chế… có thể gửi email đến Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: [email protected].

Điểm chuẩn ĐH-CĐ năm 2008Thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009Điểm chuẩn ĐH, CĐ năm 2007, 2006, 2005Ngành gì? Trường gì? Làm gì?Hộp thư tư vấn tuyển sinh

* Em không trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008. Năm nay em định thi lại và nghe nói sẽ thi theo chương trình mới, không theo chương trình cũ em đã từng học. Như vậy, em ôn tập như thế nào? Hình thức thi năm nay có khác năm ngoái không? (Nhiều bạn đọc)

- Theo Bộ GD-ĐT, cơ bản công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn giữ ổn định theo giải pháp ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) như năm 2008. Tuy nhiên, năm học 2008-2009, chương trình THPT trên toàn quốc có sự thay đổi. Các nhóm đối tượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 sẽ khác nhau.

Theo đó, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 (chương trình mới năm 2008-2009). Đối với các môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; nếu làm cả hai phần riêng thì cả hai phần riêng đều không được chấm.

Đối với các môn ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.

Như vậy, nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 (chương trình mới). Đề thi đáp ứng cho tất cả các đối tượng thí sinh học lớp 12 THPT năm học 2008-2009. Tuy nhiên, theo quy chế thi hiện hành, thí sinh tự do phải thi cùng đề thi như thí sinh đang học lớp 12 THPT năm học 2008-2009; thí sinh tự do phải tự cập nhật, bổ sung kiến thức theo các hình thức khác nhau để chuẩn bị cho việc dự thi.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, hình thức thi của các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009 như sau: các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ (gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật) thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 (trong số các môn nêu trên) sẽ được thông báo cụ thể vào cuối tháng 3-2009.

Để ôn tập tốt cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, bạn cần ôn tập theo cấu trúc đề thi đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Bạn cần tham khảo cấu trúc đề thi này để biết chi tiết những phần kiến thức mới và bổ sung để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh năm 2009. Tại các nhà sách có bán tài liệu Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ÐH-CÐ 2009, hoặc bạn bấm vào đây để xem.

* Em đã bị mất bằng tốt nghiệp THPT (em tốt nghiệp đã ba năm) và hiện chỉ còn bằng tốt nghiệp THPT photocopy có công chứng. Vậy em có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009 không? (Văn Phụng, chubephung@...)

- Khi đăng ký dự thi ĐH, các trường không yêu cầu xuất trình bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi dự thi và làm hồ sơ nhập học sau này bắt buộc phải có bản chính văn bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp để đối chiếu.

Trường hợp bạn làm mất bằng tốt nghiệp THPT, bạn phải trực tiếp liên hệ với sở GD-ĐT (nơi bạn đã dự thi tốt nghiệp THPT trước đây) để xin được cấp lại phó bản bằng tốt nghiệp THPT (dùng để thay thế bằng tốt nghiệp trong những trường hợp cần thiết). Thời gian cấp phó bản bằng tốt nghiệp THPT rất nhanh, còn đến ba tháng để thi nên bạn có nhiều thời gian để xin cấp lại.

Điều 25 trong quy chế tuyển sinh nêu rõ: Thí sinh xuất trình giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với những thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp (đối với những thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước) khi đến làm thủ tục dự thi ĐH, CĐ.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý, bản sao bằng tốt nghiệp THPT phải do sở GD-ĐT cấp cho thí sinh, bản sao này có dán hình và gần giống với bằng gốc. Bản sao không phải là bằng tốt nghiệp thí sinh mang đi photocopy có công chứng.

* Em muốn thi vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM ngành văn hóa học nhưng không biết ngành này đào tạo những gì và khi vào trường cơ hội làm việc ra sao? Học phí có cao không? Điểm chuẩn hằng năm ngành này bao nhiêu? (Thanh Tâm, quehuongtoi91@...)

- Ngành văn hóa học của Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM (tuyển sinh từ năm 2007) đào tạo cử nhân có trình độ chuyên sâu về lý luận văn hóa, lịch sử văn hóa, địa lý văn hóa, văn hóa tộc người... cũng như các vấn đề khác có liên quan dến văn hóa Việt Nam và thế giới.

Sinh viên được trang bị kiến thức về: các ngành văn hóa cổ thế giới, các di sản văn hóa nổi tiếng thế giới, mỹ thuật thế giới, nghệ thuật kiến trúc thế giới, văn hóa trang phục các dân tộc trên thế giới, văn hóa ẩm thực các dân tộc trên thế giới, phong tục lễ hội các dân tộc, địa văn hóa thế giới, văn hóa Đông Bắc Á, văn hóa châu Âu, văn hóa Anh - Mỹ, văn hóa phật giáo, văn hóa Kitô giáo, văn hóa thế giới hồi giáo, văn hóa chính trị, địa danh học và địa danh Việt Nam...

Cử nhân ngành văn hóa học có khả năng làm công tác nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và thế giới tại các viện hoặc trung tâm nghiên cứu khoa học, làm công tác giảng dạy văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới tại các trường ĐH, CĐ, các trường nghiệp vụ về văn hóa - thông tin, chính trị - hành chính, các trường nghiệp vụ của các tổ chức xã hội (thanh niên, công đoàn...).

Ngoài ra, cử nhân văn hóa học có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết để làm tốt công tác quản lý nghiệp vụ tại các tổ chức, cơ quan thuộc ngành văn hóa - thông tin; công tác hướng dẫn du lịch bậc cao, hoạt động hữu hiệu hơn trong mọi ngành nghề đòi hỏi các trí thức về văn hóa học như truyền thông đại chúng, quảng cáo, kinh tế, kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp... Cử nhân văn hóa học có thể học tiếp để nhận các học vị cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ văn hóa học.

Điểm chuẩn ngành này năm 2008 và năm 2007 của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) khối C và D1 là 14 điểm. Ngoài ra, các trường sau có đào tạo: ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng): khối C 14; ĐH Đà Lạt: khối C 14; ĐH Văn hóa TP.HCM: khối C 14; ĐH dân lập Văn Hiến: khối C 14, khối D 13… Học phí của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 1,8 triệu đồng/năm.

* Em là thí sinh tự do chuẩn bị thi ĐH năm 2009. Em muốn thi khối V ở Trường ĐH dân lập Văn Lang nhưng không biết tính điểm sẽ như thế nào? Năm rồi em thấy điểm chuẩn là 21 và 19,5, có phải đã nhân hệ số không? Giả sử điểm thi em đạt toán 7, vật lý 6, vẽ 6 thì em sẽ được bao nhiêu điểm? (Lê Thái Thông, thaithongxm@...)

- Năm 2008, Trường ĐH dân lập Văn Lang nhân hệ số 2 môn vẽ ngành kiến trúc (mã ngành 104, khối V) và ngành mỹ thuật công nghiệp (800, V). Theo đó, điểm chuẩn ngành kiến trúc là 21 và ngành mỹ thuật công nghiệp là 19,5. Như vậy, điểm chuẩn này là điểm đã nhân hệ số. Những thí sinh có điểm bằng với điểm chuẩn này (bao gồm cả điểm ưu tiên) sẽ đủ điều kiện trúng tuyển. Với mức điểm bạn đưa ra thì môn vẽ bạn đạt 12 điểm,toán 7 và vật lý 6, tổng điểm là 25.

Qua email [email protected], Tuổi Trẻ Online sẽ trả lời thắc mắc của bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu (font chữ unicode).