10.000 giờ là bao nhiêu?

Trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” được xuất bản năm 2008, Malcolm Gladwell đã viết “10,000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại”. Nguyên tắc cho rằng 10,000 giờ “luyện tập có chủ đích” là cần thiết để trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới trong mọi lĩnh vực.

Điều gì tạo nên thành công? Năng khiếu bẩm sinh hay sự chăm chỉ? Nếu cần cù có thể bù thông minh thì ta cần “cần cù” bao lâu? Những câu hỏi này luôn là chủ đề muôn thuở luôn được thảo luận từ năm này qua năm khác.

Và dường như có quá nhiều người tin rằng việc học giỏi một môn nào đó [đặc biệt là ngoại ngữ] là dựa trên tài năng, năng khiếu bẩm sinh. Dù rằng có thể đúng khi với một số người học ngoại ngữ dễ hơn những người khác, nhưng sự thật không như những gì ta vẫn nghĩ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao việc giỏi tiếng Trung hầu như dựa trên sự nỗ lực, chăm chỉ của từng người chứ không liên quan đến tài năng. Tất nhiên điều này đồng nghĩa nếu nói rằng bạn không giỏi tiếng Trung vì không có thiên phú là hoàn toàn sai. Những người khác có thể học tập chăm chỉ để làm chủ ngôn ngữ này thì bạn cũng vậy.

NHỮNG NHẦM TƯỞNG VỀ “TÀI NĂNG”

Có lẽ ta bắt đầu nghĩ đến những thứ như “thần đồng” hay “thiên tài” bắt đầu từ những ngày còn bé, khi xung quanh bắt đầu có những bạn bè học và phát triển một thứ gì đó nhanh hơn, tốt hơn mình.

Ở trường học, rất nhanh chóng học sinh sẽ được đánh giá và phân thành 2 nhóm: nhóm học sinh thông minh và những người còn lại. Nếu bạn được xếp vào nhóm học sinh thông minh, bạn sẽ được khuyến khích, ngợi khen để ngày một học giỏi hơn. Nếu không may rơi vào nhóm còn lại, sẽ rất ít khi bạn được nghe những lời cỗ vũ để tiến bộ hơn, trong khi việc học thì ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Vấn đề là chúng ta luôn có xu hướng đánh giá bản thân có năng khiếu ở một lĩnh vực hay không, dựa trên khả năng học tập lúc nhỏ, từ 10 thậm chí 20 năm về trước. Tôi từng nghe rất nhiều người than thở rằng họ không thể học một ngoại ngữ nào đó kèm theo những dẫn chứng như “Mình đã từng theo rất nhiều lớp học tiếng Pháp buổi tối nhưng nó vẫn siêu khó” hay “Mình đã học tiếng Anh 6 năm ở phổ thông nhưng đến tận bây giờ vẫn chẳng thể nói được”.

Điều này thật sự phi lý. Vì không phải ta đang tự đánh giá đúng năng lực học tập của mình, mà đơn giản đang kể lại ở môi trường học tập trong quá khứ, chúng ta không đạt đủ trình độ như mong muốn. Về sau, những nhầm tưởng về “tài năng” lại tiếp tục bị nhồi nhét và khiến ta thêm tự ti với đủ loại thông tin về những người giỏi nhiều ngoại ngữ – họ đi du lịch khắp nơi trên thế giới và trong quá trình đó rất nhanh họ lại giỏi thêm một ngôn ngữ mới.

QUÁ TRÌNH HỌC HÃY TÍNH BẰNG GIỜ THAY VÌ BẰNG NĂM HAY THÁNG

Chính bởi suy nghĩ đó, nếu ai đó khoe với ta rằng họ chỉ cần 3 tháng đã giao tiếp thành thạo tiếng Trung, chắc chắn những người đã từng học tiếng Trung sẽ chỉ có 2 hướng suy nghĩ hoặc là đám người này đang bốc phét; hoặc là họ có tài năng học ngoại ngữ thiên bẩm. Cả 2 hướng suy nghĩ trên đều chưa chắc đúng [nếu không muốn nói là sai hết cả 2].

Sai lầm của chúng ta là luôn quy thời gian học và thực hành kỹ năng [không riêng gì về ngoại ngữ] bằng năm bằng tháng thay vì số giờ thực hành.

Đoạn hội thoại sau đây, hẳn quen thuộc với tất cả mọi người.

A: Bạn có học ngoại ngữ nào không?

B: Có chứ. Mình học tiếng Anh rất nhiều năm rồi.

A: Cụ thể là bao nhiêu năm nhỉ?

B: 6 năm rồi.

A: Wow vậy chắc Tiếng Anh của bạn rất thành thạo rồi đúng không?

B: Uhm thật ra là không. Mình vẫn gặp khó khăn khi giao tiếp với người bản xứ.

Chuyện chỉ sẽ kỳ lạ nếu thời gian 6 năm B học tiếng Anh thật sự là 6 năm học tập nghiêm túc và nỗ lực. Nhưng nếu B trong cuộc đối thoại trên chỉ học 1-2 giờ vào lớp học buổi tối vào mỗi thứ hai trong 6 năm và không làm bài tập về nhà, tôi không nghĩ rằng cậu ta sẽ có thể giao tiếp rất tốt, thậm chí sau sáu năm.

ĐỪNG SO SÁNH TIẾNG TRUNG VỚI CÁCH TA HỌC TIẾNG ANH Ở PHỔ THÔNG

Hãy cụ thể hoá quá trình học 6 năm Tiếng Anh của B và của hầu hết chúng ta ở trên thành số giờ. Giả sử rằng chúng ta học tiếng Anh ở trường trong sáu năm. Khoảng 40 tuần/năm sau khi trừ các ngày lễ, Tết v.v. Đa số học sinh sẽ không có lớp học Tiếng Anh mỗi ngày, giả sử chúng ta có 3 giờ tiếng Anh mỗi tuần, làm bài tập về nhà 2 giờ. Sau đó con số này sẽ nhân lên thành 200 giờ trong một năm hay 1200 giờ trong sáu năm.

Tiếp tục so sánh với một người học ngôn ngữ nghiêm túc, đắm chìm trong ngoại ngữ và không làm gì khác ngoài việc học. Dù tất nhiên thực tế rất khó để duy trì một lối sống mà bạn không làm gì khác ngoài việc học ngoại ngữ. Nhưng trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta thật sự có thể học không ngừng. Giả sử học 14 giờ/ngày, nghĩa là vẫn có nhiều thời gian cho việc ăn, ngủ và sinh hoạt cá nhân. Nếu duy trì làm điều đó liên tục trong ba tháng, bạn sẽ có 1260 giờ học.

Như vậy rõ ràng một người học và đầu tư cho việc học ngoại ngữ một cách nghiêm túc trong 3 tháng sẽ có số giờ học nhiều hơn hẳn một học sinh trung học học tiếng Anh liên tục trong 6 năm.

QUY TẮC 10,000 GIỜ

Có thể bạn đã nghe đến học thuyết 10,000 giờ này,

hoặc chưa. Với những ai chưa biết, chỉ cần Google cụm từ này sẽ xuất hiện một loạt bài viết chi tiết về nó.

Về cơ bản, học thuyết này nói rằng nếu bạn muốn giỏi một thứ gì đó, bạn cần dành khoảng 10.000 giờ để luyện tập. Gladwell tuyên bố rằng con số này có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhưng ta không cần thực sự quan tâm đến con số chính xác. Điều quan trọng nó chỉ ra rằng “Thành thạo và trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực có thể không cần liên quan đến tài năng“. Bất kỳ ai cũng có thể dành 10.000 giờ nếu họ thực sự muốn.

Thành công của một người ta được gán là “tài năng” có thể đến từ sự chăm chỉ rèn luyện và sự tập trung của người ấy trong thời gian ngắn theo năm tháng, nhưng đủ lâu nếu tính bằng giờ.

Và để đạt kết quả tốt đẹp ấy bên cạnh số giờ hãy nhớ “ôn luyện một cách có chủ đích”. Chủ đích tức là ôn tập và rèn luyện một cách tích cực để thử thách bản thân ra khỏi vùng an toàn và trở nên tốt hơn.

Học tiếng Trung cần một thời gian dài [tính bằng giờ, không tính bằng năm] cộng thêm sự chăm chỉ và nỗ lực. Nếu ta đủ thông minh, sẽ luôn có cách để con đường này thú vị. Nhưng trước hết vẫn cần tập đi bộ trước khi chạy. Đường của mỗi người có thể khác nhau. Miễn là xuất phát điểm gần giống nhau, sẽ không có chuyện đường của người khác dài chỉ bằng nửa đường của bạn.

Vì vậy đừng dùng tài năng làm cái cớ cho việc học nhanh hay chậm, tốt hay không. Để đạt được mục tiêu có thể mất nhiều hơn hoặc ít hơn 10.000 giờ. Nhưng dù con số thực sự là bao nhiêu thì điều quan trọng nhất nó cho thấy bạn có thể và cần phải học tập, bất kể tài năng.

Chủ Đề